Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

BUỒN MÀ KHÔNG KHỔ

Tôi hay nói buồn mà không khổ, túng mà không thiếu, có bạn nói tôi đùa, thưa không đó là có thật mà rất lâu tôi mới nghiệm ra. Nhà Phật nói nguồn gốc của khổ là ham muốn.
Nếu ta không còn ham muốn thì không còn khổ.
Đây là điều khó làm. Nếu không còn ham muốn nữa, chắc gì ta còn ham sống, thích sống. Sự thật là các ham muốn, ước muốn, là những mục tiêu thúc đẩy ta hành động để đạt được chúng—bằng cử nhân, công việc tốt, mở cửa hàng—và thế thì đời mới vui, sống động, và tích cực. Không có các ‎ước muốn, các giấc mơ đó để mà đeo đuổi, thì đời có lẽ rất phẳng lặng … như là chết.
Đây là vấn đề lớn của chúng ta. Làm thế nào để theo đuổi các giấc mơ của mình mà không vướng vào vòng khổ lụy như nhà Phật dạy?
Kinh nghiệm cho thấy, “ước muốn” không phải là cái làm cho ta khổ, mà “chấp vào ước muốn” mới là cái làm ta khổ. Ví dụ: Yêu một cô không phải là điều làm ta khổ. Thực sự là yêu là hạnh phúc. Nhưng nếu nàng không còn yêu ta nữa, mà ta lại cứ vướng víu vào tình yêu đó quá đáng, tức là nếu ta chấp vào đó, đến mức ta có thể chết vì mất nàng, hoặc điên tiết đến nổi gây án mạng, thì đó mới là khổ. Nhưng nếu ta dịu dàng để nàng ra đi, bình thản như hai người bạn chia tay, thì dù có hơi buồn, đó cũng không là khổ.
Hầu như chuyện gì trên đời cũng thế. Ta có ước muốn và nỗ lực xây dựng ước muốn—mua một căn nhà, nộp đơn cho một công việc, vào lính phục vụ đất nước—thì có là điều rất tích cực. Nhưng nếu không đạt được mục đích, dù có thất vọng một chút, ta cũng không than thân trách phận hay xuống tinh thần, thì đó không là khổ.
Bí quyết là: Đặt mục tiêu ước muốn, và nỗ lực để đạt mục tiêu. Nhưng nếu không được, thì cũng buông xả và không stress. Đó là ước muốn mà không chấp, không khổ.
Bồ tát luôn muốn độ tất cả chúng sinh. Nhưng độ ai được thì được, không độ được thì đó cũng là duyên nghiệp, Bồ tát không stress.
Có những mục tiêu ta cố gắng nhưng không đạt được, không hẳn vì khó mà vì nghiệp duyên hay ‎ý Chúa.
Đây là vấn đề nhiều người chúng ta không hiểu và stress. Ta có mục tiêu ước muốn, và cố gắng đạt nó, không đạt được thì ta stress và cho là đã tốn công dã tràng.
Ví dụ: Ta đặt mục tiêu chạy xe từ cà mau lên Sài Gòn. Vì lý do lạc đường, đến châu đốc thì không đi tới Sài Gòn được, ta đành phải đi núi Sam. Dù là không đến được Sài Gòn, thì ta cũng đã đi được từ Cà Mau đến núi Sam, sao gọi là công dã tràng?
Cuộc đời có nhiều biến hóa như thế. Ta đặt mục tiêu A, nhưng rốt cuộc không đạt được A mà lại được B, và thường là B còn hay hơn cả A. Ta bị cô Hồng bỏ và nhờ đó mà gặp cô Hoa và rất hạnh phúc với cô Hoa.
viết tới đây tôi chợt nhớ chuyện tôn ông thất mã mà tôi được nghe hồi còn nhỏ: một ông nhà giàu nọ có con ngựa rất đẹp, một hôm ngựa đẹp mất tiêu, ông ta buồn quá, mấy hôm sau đó ngựa của ông lại trở về còn dẫn theo một con ngựa cái nữa, ông mừng vì không mất ngựa mà còn có thêm con ngựa nửa, con ông nhảy phóc lên cưỡi con ngựa mới về, vì ngựa nầy chưa được huấn luyện nên nhảy bổ lên làm con trai ông chủ té gãy tay,ông chủ buồn vì con té gãy tay, tháng sau có lệnh bắt lính, con ông vì gảy tay nên không phải đi lính ông mừng, ý muốn nói là cùng một việc mà có lúc tốt cho mình và cũng có lúc xấu cho mình, nên đừng vì một sự kiện xảy ra mà buồn hay vui quá độ
Nhiều khi ta đặt mục tiêu chinh phục của ta, Trời giúp ta một tay, cho nên gần được mục tiêu thì Trời bẻ lái, làm ta phải đi đường khác, không đạt được mục tiêu, nhưng lại đạt được những điều trước đó ta không tính.
Cho nên đạt được mục tiêu hay không, thực sự không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là ta tích cực tiến đến mục tiêu. Và nếu có bị bẻ lái nửa chừng thì cứ đi đường mới, và vui vẻ với những thành quả mới.
Đôi khi Trời đóng một cánh cửa để mở một cánh cửa mới cho ta. Cứ đi vào con đường mới.
Đó chính là ước muốn mà không khổ.
Và có lẽ là ta nên nói: Tôi ước muốn nhưng không ham muốn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét