Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

PHẢI CHĂNG TÌNH YÊU CHỈ LÀ....

Phải công nhận “chuyện ấy” hấp dẫn đến mức chỉ xét trên phương diện từ ngữ thôi đã có quá nhiều cách nói: đòi, muốn, làm, đi quá giới hạn, ăn cơm trước kẻng… Ví von như thế để thấy rằng xã hội đang có nhiều cách nhìn khác nhau về chuyện này.
Đòi hay không đòi, cho hay không cho đấy là quan niệm cá nhân, là khả năng chịu trách nhiệm của từng người. Do đó, kết quả hay hậu quả cũng là từ chính hành động của cá nhân ấy.
Riêng với tôi, bạn hỏi tôi: “Có đòi bạn gái mày không?”. Xin thưa là không. Bạn hỏi tiếp: “Có bao giờ muốn đòi không?”. Cũng xin thưa là… có.
Tôi nghĩ đó là chuyện hết sức tự nhiên trong tình yêu. Khi có cảm tình với nhau người ta sẽ muốn nắm tay nhau. Khi đã cảm nhận được sự ấm áp của bàn tay rồi người ta lại muốn ôm nhau. Khi ôm nhau, khi hai ánh mắt giao cảm sát nhau, điều tất yếu là sẽ hôn nhau. Nghĩa là những người yêu nhau lúc nào cũng có một mong muốn được gắn bó, được sưởi ấm cho nhau… nên nhu cầu về “chuyện ấy” là hết sức tự nhiên. Nhất là đàn ông, tò mò và chiếm hữu là hai bản tính nổi trội. Xúc cảm tình yêu, vì vậy, như một dòng nước mải mê chảy nhưng có những loại hình dòng chảy khác nhau. Có dòng nước chảy quá mạnh đụng vào bờ thì… tức nước vỡ bờ, lại có bờ quá vững thì dòng nước mạnh đành… chảy đường khác, nhưng cũng có dòng nước vốn đã chảy yên bình, vừa phải ngay từ đầu thì sao?
Bạn sẽ hỏi tôi: “Nếu bản thân đã muốn như thế sao không thử đòi đi?”.
À, lý do để không đòi với riêng tôi thì có nhiều lắm. Nhưng đáng nể nhất chính là mỗi lần nghĩ đến chuyện đòi là tôi lại sợ cái canh bạc được ăn cả ngã về không này lắm. Mà yêu tới mức này thì khó dám làm liều rồi!
Ví von chuyện này như dòng nước thì câu nói của bạn gái như là cái đập ngăn nước chảy. Nhưng để có được tốc độ chảy hiền hòa như vậy thì phải nhắc đến ba tôi. Bài học lớn nhất ở tuổi dậy thì của tôi chính là do người cha kính yêu của tôi dạy. Năm đó tôi bước vào tuổi dậy thì với những tò mò giới tính (cũng không bỡ ngỡ lắm vì sách báo đã bắt đầu nói nhiều rồi).
Lần đó tôi đem về nhà một quyển “truyện đen” do các anh trong xóm “lưu hành nội bộ”. Vô tình ba biết được nhưng không hề la rầy tôi. Ba chở tôi ra quán nước và nói chuyện với tôi như hai người bạn thật sự. Tôi nhớ ba đã chia sẻ với tôi rất nhiều, về tuổi dậy thì của ba, về những sai lầm của ba hồi đó, về cách tôi tự chăm sóc bản thân mình và về chuyện đó nữa. Nhưng cái mà tôi ghi khắc sâu nhất chính là thái độ trân trọng phụ nữ của ba: “Phụ nữ họ chịu nhiều thiệt thòi hơn chúng ta, như con thấy mẹ con tần tảo đó. Vì vậy con phải biết thương yêu và trân trọng họ, không được làm gì có lỗi với họ. Khó có ai chấp nhận một người con gái không còn trong trắng về làm dâu, làm vợ. Do đó, sau này lớn con phải biết giữ gìn tình yêu của con. Bởi tình yêu trước hết là sự tôn trọng, con trai à!”…
Tôi cũng phải nhắc đến những người bạn xung quanh mình. Thái độ, quan điểm của các bạn về chuyện này cũng đã giúp tôi vượt qua những lần ham muốn. Tôi biết có nhiều bạn nam “đòi” người yêu vì bạn bè xung quanh ai cũng… làm rồi. Những câu khoe khoang, những “thành tích” (không được ghi vào sơ yếu lý lịch), những lời “khích tướng”… gây tác động rất lớn đến tự ái nam nhi.
Quay lại nhóm bạn của tôi, rất may họ cũng thuộc dạng “cổ điển”. Như quan niệm hài hước của một cậu bạn: “Phim hay về cuối”. Mỗi lần nhắc đến vấn đề này, cả bọn đều thống nhất “của để dành” . Tất nhiên chúng tôi cũng hay bàn về “phe ta, phe địch” nhưng những lời “khích tướng”, những rủ rê “ngoài luồng” đều bị cho ra khỏi vùng phủ sóng. Chính những suy nghĩ tích cực và tình yêu trong sáng của các bạn đã làm tôi không cảm thấy lẻ loi vì quan niệm “cổ hủ” của mình.
Đòi hay không đòi? – Thật sự đó không phải là vấn đề sống còn của đàn ông trong thời đại ngày nay. Vấn đề quan trọng nhất là phải sống có trách nhiệm, cho mình, cho người yêu, cho gia đình và xã hội. Ham muốn thì ai cũng có, nhưng có bản lĩnh để vượt qua nó, để giữ cho nhau sống đẹp là điều không phải người đàn ông nào cũng làm được. Nhưng không lẽ lại chịu bó tay?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét