Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

ĐIỀU KHÓ NHẤT

Có lẽ cái khó hiểu, khó học nhất là hiểu và học cách suy nghĩ của người khác, vì khi đó mình phải chấp nhận một số điều khác biệt với nền tảng suy nghĩ, cảm xúc của mình.
Theo kinh nghiệm của mình thì chỉ có yêu thương là chìa khóa mở cách cửa đó. Yêu thương để chấp nhận và đón nhận người đối diện, để thành tâm muốn hiểu họ mà không phán xét, không áp đặt cách suy nghĩ của mình, để thành tâm lắng nghe và tìm đồng cảm với họ. Mình dùng khái niệm yêu thương hơi rộng. Yêu thương không chỉ là tình cảm giữa 2 người yêu nhau, giữa người thân, giữa bạn bè thân thiết, mà cả với mọi người mình gặp gỡ. Với những người lạ, có lẽ yêu thương chỉ đơn giản là cảm xúc thân thiện, trân trọng và đón nhận, dù chưa biết họ là ai.
Mỗi người chúng ta, tùy theo truyền thống và thói quen—cấp tiến, bảo thủ, công giáo, phật giáo, xã hội—chúng ta nhìn chân lý và lý giải chân lý dưới một góc độ khác nhau. Nhìn một người đánh một người khác, kẻ thì cho đó là áp bức, kẻ thì cho đó là nghiệp duyên, kẻ thì cho đó là công bằng xã hội, người thì nói là ý chúa…
Vấn đề thường nảy sinh vì mỗi người (hay mỗi nhóm người) thường cho là chỉ có cách lý giải của mình mới thật là chân lý, các lý giải khác là sai. Và thường đó là đầu mối của hiểu lầm, chia cách, tranh chấp và chiến tranh.
Thay vì cố thuyết phục, hay ép buộc, người khác nhìn chân lý dưới góc độ của mình, có lẽ chúng ta sẽ nói chuyện với nhau dễ hơn và hiểu nhau dễ hơn nếu ta tập nhìn vấn đề dưới những góc độ của những người khác.
Nhưng muốn nhìn vấn đề dưới những góc độ khác nhau, ta phải biết cách suy nghĩ dưới những góc độ khác nhau đó. Ví dụ: Dù ta là người Phật giáo quen lý giải mọi vấn đề dưới góc cạnh phật pháp, ta cần hiểu cách tư duy của người công giáo, người xã hội chủ nghĩa, người khoa học, người tâm lý… Càng hiểu được nhiều cách suy nghĩ khác nhau, ta sẽ hiểu được suy nghĩ của những người khác hơn, dễ nói chuyện với nhau hơn, dễ thông cảm hơn, và dễ đồng ý với nhau hơn.
Nhưng chúng ta không giải quyết được các vấn đề truyền thông này vì ta không học cách suy nghĩ của người khác: Cái nhìn Phật giáo, cái nhìn Công giáo, cái nhìn Âu Mỹ, cái nhìn xã hội chũ nghĩa… Mỗi cái nhìn có cách nhìn vấn đề khác nhau. Người Phật giáo nhìn vấn đề qua Phật pháp, người Kitô giáo nhìn vấn đề qua Thánh kinh, người xã hội chủ nghĩa nhìn vấn đề qua duy vật biện chứng pháp, người Âu Mỹ nhìn vấn đề qua dân chủ bình đẵng và cá nhân chủ nghĩa, người Việt Nam nhìn vấn đề qua văn hóa Việt Nam…
Nếu ta hiểu được các cách nhìn đó, thì không những ta hiểu người khác dễ hơn, nói dễ hơn cho người khác hiểu, mà cái nhìn của riêng ta về mọi vấn đề đều rộng rãi hơn, và rộng lượng hơn, vì nó bao trùm mọi cái nhìn của mọi người khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét