Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

TỔNG THỐNG MỶ NÓI GÌ TRONG NGÀY KHAI TRƯỜNG Ở MỶ

Xin chào các bạn!
Thật tuyệt vời khi được có mặt ở đây hôm nay! Hôm nay là ngày mọi người chào đón tất cả các em, cũng như tất cả sinh viên học sinh Mỹ trở lại trường học – tôi cho rằng Masterman là chỗ tốt nhất để làm việc ấy. Đây là một trong những trường tốt nhất của bang Philadelphia- nơi đi đầu trong việc giúp học sinh đạt được thành công trong học tập. Và chỉ mới tuần trước đây thôi, các bạn đã được công nhận danh hiệu Trường Nơ Xanh cấp Quốc gia (National Blue Ribbon School) vì thành tích của mình. Đó là một sự khẳng định đối với tất cả mọi người ở đây – học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên, và lãnh đạo nhà trường. Và đây là một ví dụ về sự ưu tú mà tôi hy vọng xã hội Mỹ sẽ noi theo.

Trong mấy tuần qua, Michelle và tôi cũng chuẩn bị cho Sasha và Malia đến trường. Và tôi dám chắc là nhiều người trong  các em cũng có những cảm xúc giống như chúng tôi.  Các em hơi buồn vì mùa hè đã hết, nhưng cũng thấy hứng thú với việc năm học mới đang mở ra những khả năng mới. Đó là khả năng xây dựng những tình bạn mới và củng cố những tình bạn cũ; hay gia nhập những câu lạc bộ và đội nhóm mới. Đó là khả năng trở thành một học sinh giỏi hơn, một người tốt hơn, và mang lại niềm tự hào cho gia đình  các em.
Nhưng tôi biết một số em cũng có thể lo âu khi năm học mới bắt đầu. Có thể là các em đang trong bước chuyển từ tiểu học lên trung học, hay từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông, và lo lắng không biết cái bậc học mới mẻ ấy nó sẽ như thế nào. Có thể các em vừa chuyển sang trường mới, và không biết liệu mình có thích ngôi trường mới ấy hay không. Hay các em có thể là học sinh sắp tốt nghiệp và đang lo lắng về việc học đại học; liệu mình sẽ nộp đơn xin học ở đâu và có đủ sức để theo học hay không.
Và ngoài những âu lo ấy, tôi biết nhiều em còn cảm thấy một chiều hướng căng thẳng trong thời khắc khó khăn này. Các em biết những gì đang xảy ra qua tin tức báo chí và qua cuộc sống gia đình của bản thân các em. Các em đã đọc về cuộc chiến ở Afghanistan. Các em đã nghe nói về cuộc suy thoái mà chúng ta đang trải qua. Các em thấy những điều đó trên gương mặt cha mẹ các em và cảm nhận được những điều ấy trong giọng nói của họ.
Nhiều em đã phải có những hành động già dặn hơn nhiều so với tuổi của các em, phải mạnh mẽ hơn để làm chỗ dựa cho gia đình khi anh hay chị các em đang phục vụ ngoài nước; phải chăm sóc em nhỏ khi mẹ làm tăng ca; phải làm thêm những công việc phụ khi cha các em mất chỗ làm.
Có quá nhiều thứ phải giải quyết, mà đúng ra không phải là việc mà lứa tuổi các em phải giải quyết. Và những điều ấy có thể khiến các em tự hỏi tương lai của chính các em rồi sẽ ra sao; liệu mình có thể thành công trong việc học; liệu mình có nên hạ thấp tầm nhìn ít nhiều, hay cân nhắc lại những mơ ước của mình.
Nhưng đây là điều tôi đến đây để nói với các em: không ai làm nên số phận của các em ngoài chính các em. Tương lai của các em nằm trong bàn tay của chính các em. Cuộc đời của các em là cái mà chính các em tạo ra. Và không một thứ gì – tuyệt nhiên không– là bên ngoài tầm với của các em, chừng nào các em còn muốn nuôi dưỡng những mơ ước lớn lao, chừng nào các em còn muốn làm việc hết mình, chừng nào các em còn muốn tập trung cho việc học.
Phần cuối trong những lời tôi vừa nói là vô cùng quan trọng– bởi vì chưa bao giờ giáo dục lại quan trọng hơn hiện nay. Tôi tin rằng sẽ có lúc trong những tháng ngày sắp tới khi thức khuya gạo bài thi, khi lê mình ra khỏi giường ngủ trong một buổi sáng đầy mưa, các em sẽ tự hỏi mình liệu sự học có đáng cho ta cực khổ như thế chăng. Tôi sẽ nói với các em rằng, không có gì phải nghi ngờ điều này cả. Không có gì tác động to lớn đến sự thành công của các em trong đời như nền giáo dục mà các em đã được nhận.
Càng ngày, những cơ hội mở ra cho các em sẽ càng tùy thuộc vào mức độ học vấn mà các em thụ đắc trong nhà trường. Nói cách khác, càng được học nhiều, các em càng có thể đi xa hơn trong cuộc sống. Và trong lúc các nước khác đang cạnh tranh với chúng ta với một mức độ chưa từng có trước đó, trong lúc học sinh sinh viên trên toàn thế giới học hành quyết liệt hơn bao giờ hết, học giỏi hơn bao giờ hết, thì thành công của các em sẽ quyết định thành công của nước Mỹ trong thế kỷ 21.
Bởi vậy, các em có nghĩa vụ với chính mình, và nước Mỹ có nghĩa vụ với các em, để bảo đảm cho các em có được một nền giáo dục tốt nhất trong khả năng của chúng ta. Để làm cho các em được thụ hưởng một nền giáo dục như thế, tất cả chúng ta sẽ phải tay trong tay làm việc cùng nhau một cách chặt chẽ.
Nó đòi hỏi tất cả những người làm việc trong chính phủ như chúng tôi – từ Harrisburg cho đến Washington – làm tốt phần việc của mình để chuẩn bị cho tất cả mọi học sinh có thể thành công trong việc học, trong trường đại học cũng như trong một nghề nghiệp nào đó. Nó đòi hỏi phải có những người hiệu trưởng, người thầy giáo lỗi lạc như những người đang làm việc ở nơi đây; những người đi trước và vượt lên vì học sinh của họ. Và nó sẽ đòi hỏi cha mẹ các em phải thiết tha với việc giáo dục con cái.
Đó là điều chúng tôi phải làm cho các em. Đó là trách nhiệm của chúng tôi. Đó là công việc của chúng tôi. Nhưng đây là công việc của các em: đi học đúng giờ, chú ý học trong lớp, làm bài tập ở nhà, chuẩn bị cho thi cử, và tránh xa những rắc rối. Thứ kỷ luật và nỗ lực ấy– một loại lao động cần mẫn– là tuyệt đối cần thiết cho sự thành công.
Tôi biết,– bởi vì không phải lúc nào tôi cũng có thứ kỷ luật và nỗ lực ấy. Lúc còn trẻ tuổi, không phải lúc nào tôi cũng là học sinh ngoan, tôi cũng đã có ít nhiều lầm lỗi. Thực ra, tôi vẫn còn nhớ cuộc nói chuyện với mẹ tôi hồi học trung học, khi tôi xấp xỉ bằng tuổi các em ở đây hôm nay. Mẹ tôi nói về việc điểm số của tôi đã trượt dốc như thế nào, làm sao mà tôi lại không lo nộp đơn thi vào đại học, và tôi đã làm những trò gì, theo lời mẹ tôi, mà không biết chuẩn bị kỹ càng cho tương lai. Đó là câu chuyện tôi nghĩ khá quen thuộc với nhiều học sinh và các bậc cha mẹ ngày nay.
Và thái độ của tôi cũng tương tự như mọi thiếu niên khác trong cuộc trò chuyện kiểu ấy. Tôi đã tỏ ra là tôi không cần nghe những điều như vậy. Khi tôi vừa mở miệng , mẹ tôi đã ngắt lời tức thì. “Con không thể ngồi đấy mà chờ vận may đến với mình”, mẹ tôi nói. Con có thể vào bất cứ trường nào trong nước mà con muốn, nếu con bỏ ra một ít nỗ lực. Rồi bà nhìn tôi một cách nghiêm khắc và nói thêm: “Nhớ chưa? Nỗ lực, con nhé?”.
Kể cũng khá điếng người khi nghe mẹ tôi nói thế. Nhưng quả thật, lời nói của bà có tác dụng. Tôi nghiêm túc hơn trong việc học hành. Tôi nỗ lực. Và tôi bắt đầu thấy điểm số của mình – cả triển vọng tương lai của mình nữa, bắt đầu được nâng cao. Và tôi biết rằng nếu như sự làm việc cần mẫn có thể tạo ra thay đổi nơi tôi, thì nó cũng có thể tạo ra thay đổi cho  các em.
Tôi biết một số em có thể nghi ngờ điều này. Các em có thể nghĩ người ta giỏi trong một lĩnh vực nhất định nào đấy bởi vì người ta vốn có năng khiếu. Quả là mỗi chúng ta đều có những tài năng và thiên khiếu mà chúng ta cần khám phá và nuôi dưỡng. Nhưng chỉ vì các em chưa phải là người giỏi nhất hôm nay không có nghĩa là em không thể trở thành người giỏi nhất ngày mai. Ngay cả nếu các em không cho rằng mình sinh ra là để làm toán hay làm khoa học – các em vẫn có thể xuất sắc trong những môn ấy nếu các em mong muốn và nỗ lực. Và các em rất có thể phát hiện những tài năng mà các em chưa từng mơ đến.
Các em thấy đấy, xuất sắc trong nhà trường hay trong cuộc sống không phải chủ yếu có nghĩa là thông minh hơn người khác. Nó có nghĩa là làm việc cần mẫn hơn người khác. Đừng né tránh những thách thức mới – hãy tìm ra nó, hãy bước ra khỏi cái vùng tiện nghi thoải mái của các em, và đừng e ngại nhờ giúp đỡ; thầy cô và gia đình sẵn sàng hướng dẫn các em. Đừng nản lòng hay bỏ cuộc nếu các em không thành công một điều gì đó – hãy thử lần nữa, và học hỏi từ những sai lầm của mình. Đừng cảm thấy bị đe dọa nếu các bạn khác học giỏi hơn, hãy tự hào về họ, và xem các em có thể học được gì từ những việc làm đúng của các bạn ấy.
Đó là văn hóa về sự ưu tú mà  các em đang thúc đẩy ở nơi đây, và là thứ văn hóa mà chúng ta cần thúc đẩy trong mọi trường học ở Mỹ. Đó là lý do khiến hôm nay, tôi công bố Thách thức cho Lễ Phát bằng Lần thứ hai, nếu trường các em là người thắng cuộc, nếu nhà trường cho thấy các thầy cô giáo, cha mẹ các em, và các em đã làm việc cùng nhau tốt như thế nào để chuẩn bị cho các em vào đại học và bước vào một nghề nghiệp, nếu các em cho thấy các em đã mang lại những gì cho cộng đồng xã hội và cho đất nước,– tôi sẽ hoan nghênh các em bằng sự hiện diện của mình và sẽ đến nói chuyện tại lễ tốt nghiệp của các em.
Nhưng sự thật là, một nền giáo dục thực chất có nghĩa rộng hơn là đi học hay có một việc làm tốt sau khi tốt nghiệp. Nó mang lại cho mỗi chúng ta cơ hội để thực hiện những hứa hẹn của mình, để trở thành phiên bản tốt nhất của chính chúng ta trong phạm vi khả năng của mình. Và một phần của điều đó là đối xử với người khác theo cách chúng ta muốn người khác đối xử với mình– với lòng tốt và sự kính trọng.
Giờ đây, tôi biết điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra, nhất là ở trường trung học cơ sở hay trung học phổ thông. Vượt qua tuổi đang lớn không phải là điều dễ dàng. Đây là lúc chúng ta vật lộn với bao nhiêu thứ. Khi tôi ở tuổi các em, tôi đã phải vật lộn với câu hỏi tôi là ai, là con trai của một người mẹ da trắng và một người cha da đen thì có ý nghĩa như thế nào, và về việc không có người cha ấy trong đời.  Một số em có thể đang đi qua những câu hỏi của chính mình, và đạt đến cái điều làm nên sự độc đáo của các em.
Và tôi biết rằng việc hình dung ra những điều ấy còn khó hơn nữa khi các em bị bắt nạt trong lớp, khi có người cố ý dùng những nét khác biệt ấy để chế nhạo hay cười giễu các em, để làm các em cảm thấy mình thật dở tệ. Có những nơi vấn đề còn nghiêm trọng hơn. Có những nơi như ở quê nhà tôi Chicago, trẻ em còn gây tổn thương cho nhau, và ở đây, Philly, cũng thế.
Vì vậy, điều tôi muốn nói với các em hôm nay– điều tôi muốn các em rút ra từ bài nói chuyện này– cuộc sống là quý giá, và một phần vẻ đẹp của cuộc sống là sự đa dạng. Chúng ta không nên bối rối vì những điều làm cho chúng ta khác biệt so với người khác. Chúng ta nên tự hào về điều đó. Bởi vì đó chính là những điều làm nên sự độc đáo và tạo nên bản sắc của chúng ta, xác định rõ chúng ta là ai. Sức mạnh và tính cách của đất nước này bao giờ cũng bắt nguồn từ khả năng của chúng ta trong việc nhận diện chính mình, bất kể chúng ta là ai, nguồn gốc thế nào, diện mạo ra sao, có khả năng hay khuyết tật gì.
Tôi nhớ lại cái ý tưởng nảy sinh trong một ngày nọ khi tôi đọc bức thư của một em gái 11 tuổi ở Georgia tên là Tamerria Robinson. Cô bé ấy kể cho tôi nghe rằng cô đã làm việc cần mẫn như thế nào, về những việc phục vụ cộng đồng cô đã làm cùng với anh trai mình. Cô bé viết: “Tôi cố gắng đạt được ước mơ của mình, và giúp người khác cũng đạt được ước mơ của họ. Đó là điều thế giới này cần làm”.
Tôi đồng ý với Tamerria. Đó là điều thế giới này cần làm. Vâng, chúng ta cần làm việc cần mẫn. Vâng, chúng ta cần có trách nhiệm với việc học tập của chính mình. Vâng, chúng ta cần có trách nhiệm với cuộc đời của chính mình. Điều đã làm nên chúng ta chính là, ở đây, trên đất nước này, chúng ta không chỉ đạt đến mơ ước của chính mình, chúng ta giúp người khác cũng đạt được mơ ước của họ. Đây là một đất nước mang lại cho tất cả con trai con gái của mình một cơ hội công bằng. Một cơ hội để tận dụng tốt nhất cuộc đời của chính mình. Một cơ hội để hoàn thiện những tiềm năng mà Thượng đế đã ban cho mỗi người.
Và tôi hoàn toàn tự tin rằng nếu tất cả học sinh của chúng ta – ở nơi đây, Masterman, và trên khắp cả nước– làm tốt phần việc của mình, nếu các em làm việc cần mẫn và tập trung cho sự học; nếu các em đấu tranh cho mơ ước của mình; và nếu tất cả chúng tôi giúp các em đạt được mơ ước ấy, thì không chỉ bản thân các em thành công trong năm nay và cho cả cuộc đời các em, mà nước Mỹ sẽ thành công trong thế kỷ 21.
Xin cám ơn các em. Cầu mong Thượng đế phù hộ các em và phù hộ Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
Nguồn: http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2010/09/13/remarks-president-barack-obama-prepared-delivery-back-school-speech

1 nhận xét:

  1. https://nhaachau.com/thiet-ke-biet-thu/thiet-ke-nha-2-tang-dep-6/
    nhà mái thái đẹp
    #nhà_mái_thái_đẹp

    Trả lờiXóa